Vượt qua vô vàn bất ổn với ngành dịch vụ logistics đa phương thức
Trong gần một thập kỷ, thương mại toàn cầu luôn phát triển ổn định và liên tục, nhờ đó, ngành dịch vụ logistics và vận tải biển cũng hoạt động vô cùng trơn tru. Tuy nhiên, những vấn đề như căng thẳng địa chính trị, biến đổi thời tiết, áp lực tài chính và mơ hồ trong quy định đang đe dọa đến sự ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Những năm vừa qua, hàng loạt sự kiện "thiên nga đen" đã làm đảo lộn sự ổn định của chuỗi cung ứng trên toàn thế giới. Ngay khi chúng ta vừa bước vào con đường phục hồi sau trận đại dịch toàn cầu, chiến tranh ở châu Âu, Dải Gaza và các cuộc tấn công vào tàu thuyền ở Biển Đỏ đã khiến thế giới biến động, bất ổn, phức tạp và mơ hồ, hoàn toàn khác xa với thế giới bình thường mà trước nay chúng ta vẫn nghĩ tới.
Chuỗi cung ứng bị gián đoạn đã gây ra ảnh hưởng vô cùng to lớn đến nền kinh tế. Một khảo sát năm 2021 cho thấy mỗi năm, tình trạng này khiến các tổ chức chịu thiệt hại trung bình 184 triệu đô la Mỹ (169 triệu euro). Là một quốc gia phụ thuộc nhiều vào hoạt động xuất nhập khẩu, Hoa Kỳ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, các tổ chức tham gia khảo sát cho biết, chi phí trung bình ước tính hàng năm của họ lên tới 228 triệu đô la Mỹ (211 triệu euro).
Covid-19 là thủ phạm chính gây ra mức thất thoát tài chính to lớn này, 72% công ty tham gia khảo sát năm 2022 cho biết đại dịch đã ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp của họ. Mặc dù trận đại dịch là nguyên nhân trực tiếp gây ra ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế, nhưng cũng thúc đẩy áp dụng đổi mới và giải pháp để cải thiện tính linh hoạt và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng.
Trong số các giải pháp nổi bật, logistics đa phương thức là giải pháp đặc biệt đáng chú ý với tiền đề đơn giản nhưng hiệu quả trong việc củng cố khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng toàn cầu và giảm thiểu rủi ro gián đoạn.
Vượt qua Biển Đỏ với hoạt động logistics đa phương thức
Logistics đa phương thức tích hợp nhiều phương tiện vận chuyển khác nhau để vận chuyển hàng hóa từ điểm này đến điểm khác. Thuộc quyền quản lý và điều phối của một nhà cung cấp duy nhất, hoạt động logistics đa phương thức kết hợp cả vận tải hàng không, đường biển, đường bộ và đường sắt.
Với cách thức này, các doanh nghiệp sẽ hoạt động hiệu quả hơn khi có thể tận dụng ưu thế của từng phương thức vận tải để giao hàng. Trong khi xe tải mang đến tốc độ di chuyển cao và khả năng đi lại linh hoạt trên quãng đường ngắn, thì tàu thuyền giúp giảm lượng khí thải carbon khi vận chuyển đường dài so với máy bay.
Cuối năm 2023, vận chuyển hàng tại Biển Đỏ bị gián đoạn đã ảnh hưởng đến các tuyến đường ưu thế ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Việc gửi hàng qua Biển Đỏ trở nên rủi ro hơn. Nếu chuyển hướng tàu đi vòng qua toàn bộ lục địa châu Phi thì thời gian vận chuyển sẽ kéo dài hơn, nhưng nếu sử dụng vận tải hàng không thì thời gian vận chuyển sẽ nhanh hơn, tuy nhiên lại làm tăng chi phí.
Tình trạng gián đoạn ở Biển Đỏ này đã khiến một thương hiệu thể thao lớn liên hệ với DHL để nhờ giao hàng gấp — một nhiệm vụ đầy khó khăn do khối lượng vận chuyển hàng vào cuối mùa cao điểm là rất lớn.
Để đảm bảo tiếp tục giao các mặt hàng giày dép và quần áo cho các cửa hàng, nhóm Giải pháp và Đổi mới cho Khách hàng (CSI) của DHL đã hợp tác với DHL Global Forwarding để tạo ra giải pháp đường sắt nhằm vận chuyển các mặt hàng thể thao vốn dự kiến sẽ được vận chuyển qua đường biển.
Trước và trong khi đại dịch diễn ra, DHL Global Forwarding đã sử dụng giải pháp vận chuyển bằng đường sắt và hợp tác chặt chẽ với các đội ngũ vận tải đường sắt từ nhiều quốc gia khác nhau. Bằng cách này, đội ngũ DHL Global Forwarding có thể xử lý yêu cầu với các chuyến tàu hàng tuần được đặt riêng cho khách hàng thương hiệu thể thao, đáp ứng nhu cầu vận chuyển 35 đến 41 container hàng tuần từ các nhà máy tại châu Á (Việt Nam, Campuchia và Trung Quốc) đến điểm đích cuối ở Đức và Vương quốc Anh.
Vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không cho chặng cuối cùng
Ngoài việc cung cấp dịch vụ logistics đầu cuối, dịch vụ logistics đa phương thức cũng được triển khai hiệu quả để giao hàng chặng cuối, khi mà yếu tố thời gian đóng vai trò quyết định để đảm bảo hàng hóa được giao đến tay người nhận một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Chẳng hạn như tại các khu đô thị điển hình, tắc nghẽn giao thông là nguyên nhân chính khiến việc giao hàng bị chậm trễ. Mặc dù xe tải là phương án rất hiệu quả để giao hàng đường dài, nhưng khi gặp phải tình trạng tắc đường, xe tải có thể đứng yên tại chỗ đến 60% thời gian. Đây là lúc nên chuyển sang các phương tiện nhỏ gọn hơn như xe tải nhỏ hoặc thậm chí là xe máy vì chúng có thể luồn lách qua các tuyến giao thông và hoàn thành phần còn lại của hành trình giao hàng.
Khả năng chuyển đổi linh hoạt giữa các phương thức vận tải khác nhau giúp toàn bộ chuỗi cung ứng trở nên bền vững hơn về lâu dài. Với nhiều phương án vận tải khác nhau, doanh nghiệp có thể dễ dàng chuyển hướng các lô hàng khi xảy ra tình trạng gián đoạn.
Bền vững và hiệu quả trong cùng một giải pháp
Ngoài lợi ích mang đến tính hiệu quả và bền vững cho chuỗi cung ứng, hoạt động logistics đa phương thức còn giúp giảm lượng khí thải carbon của chuỗi cung ứng. Vì mỗi phương thức vận tải tác động đến môi trường ở mức độ khác nhau nên các doanh nghiệp có thể lựa chọn các phương án tiết kiệm nhiên liệu nhất cho từng giai đoạn của hành trình vận chuyển hàng hóa. Nokia đã áp dụng giải pháp Multimodal Express (MMEX) của DHL Global Forwarding để cải thiện chuỗi cung ứng giữa Trung Quốc và Curitiba, Brazil.
Trước đây, Nokia hoàn toàn phụ thuộc vào vận tải hàng không cho toàn bộ hành trình, nhưng giờ Nokia đã bổ sung vận tải đường biển và đường bộ thông qua MMEX. Với hệ thống mới này, đoạn đường vận chuyển đầu tiên từ Trung Quốc đến Los Angeles là đi qua đường biển. Khi hàng hóa đến Los Angeles, xe tải sẽ vận chuyển hàng đến Miami và máy bay sẽ đưa hàng đến Nam Mỹ.
Việc chuyển đổi sang MMEX giúp Nokia giảm ít nhất 68% lượng khí thải carbon mà không làm tăng quá nhiều thời gian vận chuyển trong quá trình chuyển đổi.
Ngoài ra, hoạt động logistics đa phương thức có thể cải thiện hiệu quả giảm phát thải carbon mà không làm giảm hiệu suất vận chuyển. Cách thức này được thực hiện thông qua sự hợp tác giữa nhà sản xuất nam việt quất tại Hoa Kỳ, Ocean Spray, nhà điều hành đường sắt CSX và các công ty vận chuyển trái cây. Việc chuyển đổi từ đường bộ sang đường sắt đã giúp giảm 20% lượng khí thải carbon. Chi phí vận chuyển cũng giảm đáng kể, ít nhất là 40%.
Triển khai logistics đa phương thức đúng cách
Trong một thế giới luôn biến đổi, các doanh nghiệp nhạy bén tăng khả năng phục hồi cho mình bằng cách linh hoạt tái cơ cấu chuỗi cung ứng của mình với logistics đa phương thức.
Các doanh nghiệp cần xác định kết hợp tối ưu giữa các phương thức và tuyến vận chuyển, để làm được điều này thì cần phân tích kỹ lưỡng các yếu tố chính như quãng đường, tính khẩn trương và chi phí. Họ cũng phải tính đến trường hợp gián đoạn tiềm ẩn và điều chỉnh chiến lược của mình một cách linh hoạt.
Ngoài ra, việc ghi chép cẩn thận hành trình cung ứng từ đầu đến cuối là rất quan trọng, đặc biệt là khi vận chuyển đa phương thức bao gồm các lần chuyển giao giữa nhiều đơn vị. Để thực hiện điều này, các công ty nên tích hợp các nền tảng kỹ thuật số để hỗ trợ ghi chép dữ liệu, đảm bảo khả năng hiển thị theo thời gian thực, thông quan suôn sẻ và giảm thiểu nguy cơ trì hoãn. Các hoạt động tích hợp công nghệ này cũng cho phép doanh nghiệp theo dõi lô hàng ở mọi giai đoạn của hành trình cung ứng.
Cuối cùng, các doanh nghiệp cần xây dựng mối quan hệ bền vững với các nhà cung cấp dịch vụ vận tải đáng tin cậy và phối hợp lịch trình giao hàng cũng như tuyến đường của họ để tối ưu hóa toàn bộ hành trình cung ứng từ đầu đến cuối. Bằng cách kết hợp chiến lược các phương thức vận tải khác nhau, doanh nghiệp không chỉ thành công mà còn tăng khả năng phục hồi cho chuỗi cung ứng của mình, đồng thời duy trì hiệu quả chi phí và hiệu suất vận hành.
Cũng đáng đọc