Cũng đáng đọc

Vượt qua khó khăn bằng các chiến lược tìm nguồn cung ứng toàn diện ở Đông Nam Á

Trong bối cảnh biến đổi toàn cầu, vận tải đường bộ đang mở đường để Đông Nam Á trở thành khu vực quan trọng cho chiến lược Plus One.
Trong bối cảnh biến đổi toàn cầu, vận tải đường bộ đang mở đường để Đông Nam Á trở thành khu vực quan trọng cho chiến lược Plus One.
12 November 2024 •

Sau khoảng thời gian gián đoạn do đại dịch Covid-19, ngành logistics và chuỗi cung ứng ở châu Á đã có những chuyển mình mạnh mẽ. Các biện pháp phong tỏa trong giai đoạn Covid-19 và sự tăng trưởng của ngành thương mại điện tử đã bộc lộ ra những điểm yếu khi quá phụ thuộc vào một nguồn duy nhất và một chuỗi cung ứng bị hạn chế về mặt địa lý.

Phải đến tận tháng 12 năm 2022, Trung Quốc, quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới, mới gỡ bỏ một số biện pháp hạn chế Covid-19. Trong khi đó, tình hình căng thẳng địa chính trị và chiến tranh ở châu Âu gia tăng càng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đa dạng hóa, và quy trình này đến nay vẫn đang diễn ra. 

Để xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, các công ty đã điều chỉnh chiến lược để giảm mức độ phụ thuộc vào một quốc gia duy nhất trong chuỗi cung ứng của mình. Khi có thể, họ sẽ đưa các thành phần của chuỗi cung ứng trở đến gần hơn với thị trường của mình. Trong khi một số công ty chú trọng đến chi phí lao động và sản xuất thì một số công ty khác lại chọn các quốc gia có chuyên môn về các ngành nghề cụ thể.

Những thuật ngữ như “chuyển dịch hoạt động gần quốc gia” và “China Plus One” ngày càng trở nên quen thuộc trên toàn cầu, các công ty vẫn hoạt động ở Trung Quốc, nhưng sẽ mở rộng sản xuất sang quốc gia hoặc khu vực khác. Khi các quốc gia tham gia vào chiến lược tìm nguồn cung ứng toàn diện, đa dạng hóa chuỗi cung ứng bằng cách tìm kiếm các quốc gia khác để tổ chức sản xuất và chế tạo, những ý tưởng chủ đạo này mau chóng trở thành giải pháp quan trọng để xây dựng chuỗi cung ứng bền vững. 

Khi chúng ta bước vào thời kỳ hậu dịch, việc đầu tư vào đa dạng hóa chuỗi cung ứng dường như trở thành một bước đi hiển nhiên. Tuy nhiên, chiến lược tìm nguồn cung ứng toàn diện cũng mang đến những thách thức mới và đầy phức tạp cho ngành logistics. Tìm nguồn cung ứng toàn diện trong thực tế là gì? Và các doanh nghiệp cần làm gì để thích nghi và đáp ứng nhu cầu logistics không ngừng thay đổi của thế giới sau cơn đại dịch? 

Sau khi trải qua những bài học xương máu từ đại dịch, các doanh nghiệp nhận ra rằng họ cần phải linh hoạt và sáng tạo hơn. Chìa khóa để hoạt động logistics hiệu quả là đưa sản phẩm đến đích nhanh chóng và tiết kiệm chi phí nhất có thể, ngay cả khi phải tạo ra các giải pháp đa phương thức riêng biệt.

Ông Thomas Tieber, Giám đốc điều hành DHL Global Forwarding khu vực Đông Nam Á, chia sẻ: “Điểm hấp dẫn ở khu vực của chúng tôi, nơi có thể áp dụng giải pháp đa phương thức, chính là yếu tố sẽ thúc đẩy thị trường phát triển. Đường bộ là một phần rất quan trọng trong giải pháp này. Cho dù xu hướng vận tải đường bộ ở châu Á đang đi đúng hướng, nhưng vẫn còn nhiều thách thức và cơ hội để thay đổi cách thức vận chuyển hàng hóa trong khu vực.”

Tiết kiệm chi phí nhân công và sản xuất

Mặc dù Trung Quốc sẽ vẫn giữ được vị thế trung tâm sản xuất hàng đầu trong thời gian tới đây, nhưng một số quốc gia Đông Nam Á đang nổi lên là những trung tâm mạnh mẽ trong các ngành khác. Trong khi chi phí nhân công và phí thuê mặt bằng tăng cao trên khắp thế giới thì các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam và Malaysia đã trở thành điểm đến mới đầy hấp dẫn cho dịch vụ sản xuất điện tử.

Lao động lành nghề là yếu tố quan trọng cần cân nhắc khi tìm kiếm địa điểm sản xuất thay thế. Vì vậy, các công ty nên chọn những quốc gia có chuyên môn vững chắc trong các ngành cụ thể.

Ở Đông Nam Á, lực lượng lao động chiếm ưu thế rõ rệt, với 155 triệu người trong độ tuổi 25–54 có trình độ đại học, vượt qua Trung Quốc với 145 triệu người. Ngoài ra, theo dữ liệu xếp hạng kỹ năng trong số liệu thống kê lao động của Ngân hàng Thế giới (tháng 2 năm 2022) trong báo cáo PWC về Chuỗi cung ứng toàn cầu: Trong cuộc đua tái cân bằng, Malaysia đứng thứ 30 về xếp hạng kỹ năng. Trong khi đó, trình độ kỹ năng của Trung Quốc đứng thứ 64, và Indonesia khá tương đồng khi đứng ngay sau ở vị trí 65, cho thấy Đông Nam Á đã trở thành một sự lựa chọn đáng chú ý hơn của các doanh nghiệp quốc tế.

Nền kinh tế của các quốc gia Đông Nam Á cũng đã khẳng định vị thế của mình trong những thị trường chuyên biệt. Sau 15 năm xây dựng chuyên môn và tạo dựng uy tín, Việt Nam đã thu hút nhiều công ty đến mở trung tâm sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử tại thị trường của mình. Trong ấn bản “Chiến lược quốc gia cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” của Việt Nam ra mắt năm 2020, Việt Nam đang dần nâng cao chuyên môn để trở thành một trung tâm sản xuất và lắp ráp đáng tin cậy, chuyên về các công nghệ phức tạp hơn.

Ví dụ, Samsung đã dời dây chuyền sản xuất sang Việt Nam từ năm 2008 vì Việt Nam có chi phí nhân công rẻ hơn và có sự cạnh tranh với các nhà sản xuất điện thoại thông minh nội địa. Ông lớn Hàn Quốc này bắt đầu bằng cách xây dựng một nhà máy sản xuất điện thoại di động ở tỉnh Bắc Ninh, gần Hà Nội. Việc sớm thực hiện đa dạng hóa chuỗi cung ứng giúp Samsung bảo vệ chính mình tốt hơn trước các căng thẳng địa chính trị trong cuộc chiến thương mại và đại dịch. Hiện nay, Samsung sản xuất một nửa số lượng điện thoại thông minh tại Việt Nam, và điều này cũng đã mở đường cho các đối thủ cạnh tranh của họ, trong đó có Apple, để làm theo. Apple đã chuyển một phần dây chuyền sản xuất Apple Watch, iPad, Macbook và Airpods sang Việt Nam.

Số hóa và tự động hóa

Ngoài việc có đủ khả năng lưu trữ hàng hóa cho cả công ty và nhà cung cấp, các công ty muốn tăng quy mô sản xuất trong tương lai cần phải chuẩn bị đối phó với khối lượng sản xuất và độ phức tạp ngày càng tăng.

To ensure work safety in its warehouses in Singapore, DHL’s security system employs computer vision to detect safety violations by employees on premises, thereby increasing operational efficiency.
Để đảm bảo an toàn trong các kho hàng ở Singapore, hệ thống bảo mật của DHL sử dụng công nghệ thị giác máy tính để phát hiện các vi phạm an toàn của nhân viên tại các cơ sở, từ đó nâng cao hiệu quả vận hành.

Các công ty cần tìm kiếm không gian kho có sức chứa lớn, mật độ cao áp dụng các quy trình số hóa và bảo mật tiên tiến, vì những cơ sở này có thể được mở rộng và điều chỉnh thích nghi với quy mô sản xuất của họ. Cần lắp đặt camera an ninh CCTV 24/7 để đảm bảo an toàn cho hàng hóa, sử dụng công nghệ quét và tự động hóa quy trình bằng robot để đảm bảo tính chính xác và đẩy nhanh tiến độ. Các kho hàng cũng cần được trang bị đầy đủ cơ sở hạ tầng phù hợp, nguồn điện đủ dùng và các điểm sạc để hỗ trợ các thiết bị cơ khí và tự động hóa trong kho.

Di chuyển địa điểm sản xuất linh kiện ít phức tạp hơn

Với cơ sở hạ tầng phù hợp hỗ trợ sản xuất với chi phí thấp hơn, Đông Nam Á đã thu hút các công ty công nghệ di chuyển địa điểm sản xuất các linh kiện ít phức tạp hơn vào quốc gia trong khu vực. Ví dụ, Sony đã quyết định chuyển 92% lượng sản xuất camera sang Thái Lan, trong khi họ vẫn duy trì sản xuất các ống kính phức tạp hơn ở Trung Quốc.

Trong làn sóng đầu tiên của xu hướng tìm nguồn cung ứng toàn diện, các nền kinh tế phát triển hơn được đưa vào vị thế thuận lợi để hưởng lợi từ việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng, như chúng ta đã thấy dây chuyền sản xuất được chuyển sang Việt Nam, Thái Lan và Malaysia. Nhưng khi các quốc gia này nâng cấp năng lực sản xuất, các nền kinh tế phát triển và các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực cũng có động thái tương tự. Làn sóng thứ hai là chuyển dịch hoạt động sản xuất gọn nhẹ hơn, lắp ráp và hoàn thiện sản phẩm sang Campuchia, và gần đây là Lào.

Trong khi chính phủ Thái Lan thúc đẩy mở rộng sản xuất thiết bị điện tử và máy tính từ các linh kiện đến các mạch tích hợp, thiết bị, vi điện tử Internet vạn vật và các hệ thống nhúng, quốc gia này đang từ từ chuyển dịch các bộ phận cần nhiều nhân công sang Campuchia. Trong chiến lược “Country Plus One”, các bộ phận cần nhiều nhân công được sản xuất tại Campuchia và vận chuyển đến Thái Lan hoặc Việt Nam để tiến hành khâu lắp ráp cuối cùng.

Kết quả là, theo số liệu mới nhất, lượng xuất khẩu linh kiện ô tô từ Campuchia đã tăng gấp ba lần từ năm 2015 đến 2019, đạt 200 triệu USD (187,78 triệu Euro), trong khi lượng xuất khẩu điện tử đã tăng gấp đôi, lên 900 triệu USD (845 triệu Euro).

Khách hàng đi đâu, nhà cung cấp theo đấy

Dịch chuyển sản xuất không chỉ là chuyển địa điểm nhà máy sang một quốc gia khác, mà còn có nghĩa là các doanh nghiệp sẽ mất đi hệ sinh thái các nhà cung cấp địa phương của mình. Mặc dù có thể tái tạo một chuỗi cung ứng đầu vào với các nhà cung cấp mới hoặc cũ, nhưng việc xây dựng một chuỗi cung ứng đầu vào hoạt động hiệu quả sẽ mất nhiều thời gian. Các công ty có thể phải gánh thêm chi phí khi cố gắng bắt kịp tốc độ sản xuất.

Tuy nhiên, khi các công ty lớn ngày càng chú trọng vào việc đa dạng hóa nguồn tài nguyên và chuỗi cung ứng thì các nhà cung cấp linh kiện của họ cũng đang chuyển đến gần hơn với khách hàng.

Sau khi Samsung đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình sang Việt Nam, một trong những nhà cung cấp của họ, công ty sản xuất linh kiện điện tử Trung Quốc BOE Technology, dự định sẽ đầu tư xây mới các nhà máy ở Việt Nam để đáp ứng nhu cầu của công ty công nghệ Hàn Quốc này về màn hình điện thoại thông minh tại Việt Nam.

Điều chỉnh cơ sở hạ tầng để hỗ trợ các ngành trọng điểm

Trong suốt nhiều thập kỷ, các quốc gia ASEAN đã chuẩn bị cơ sở hạ tầng để tạo ra một khu vực có kết nối mạnh mẽ hơn, cùng với các chính sách thương mại khu vực vững chắc. Vị trí chiến lược của khu vực này gần với các thị trường lớn như Trung Quốc và Ấn Độ.

Không chỉ có nhiều cửa ngõ vào Trung Quốc qua đường bộ, đường sắt, hàng không hoặc đường biển, các quốc gia Đông Nam Á còn có mạng lưới đường bộ liên thông chặt chẽ, biến khu vực này trở thành địa điểm lý tưởng cho chiến lược “Plus One”. Đường cao tốc châu Á hiện đi qua 32 quốc gia với hơn 145.000 km đường bộ.

The Chinese Xiaomi highway bridge was constructed between the Laos border town Boten and Mengla in Yunnan, China.
Cầu cao tốc Xiaomi của Trung Quốc được xây dựng giữa thị trấn biên giới Boten của Lào và Mengla ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Vận tải đường bộ đã chứng tỏ là giải pháp vận chuyển hiệu quả và đáng tin cậy ở Châu Á trong thời gian diễn ra đại dịch. Thương mại điện tử bùng nổ và sản xuất phục hồi đã khiến vận tải đường bộ xuyên biên giới ở Đông Nam Á đóng vai trò ngày càng quan trọng trong các giải pháp vận chuyển quốc tế đường dài tại Châu Á.

Ông Bruno Selmoni, Giám đốc vận tải đường bộ và đa phương thức khu vực Đông Nam Á của DHL Global Forwarding, cho biết: “Nếu vận chuyển hàng hóa từ Singapore đến Malaysia hoặc Thái Lan, đôi khi đi đường bộ sẽ nhanh hơn và tiết kiệm chi phí hơn. Bạn có thể giao hàng tận nơi thay vì phải qua nhiều chặng hàng không hoặc đường biển”.

Các quốc gia ASEAN cũng đã điều chỉnh cơ sở hạ tầng của mình để phù hợp với các ngành trọng điểm của từng quốc gia. Một số khoản đầu tư của họ đã bắt đầu mang lại kết quả tích cực.

Quốc gia này cũng đang đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Chính phủ Thái Lan cam kết mở rộng mạng 5G để phủ sóng cho 98% dân số chậm nhất vào năm 2027. Dự án tàu cao tốc kết nối Bangkok với các khu vực chính trong nước và với nước láng giềng Malaysia sẽ hoàn thành vào năm 2026.

Thái Lan, với kinh nghiệm lắp ráp ô tô từ những năm 1960, hiện là quốc gia sản xuất xe động cơ đốt trong lớn thứ năm tại châu Á. Với tiềm năng thiết kế trong nước và vị trí chiến lược là nhà xuất khẩu trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan đặt mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất Xe điện trọng yếu của ASEAN chậm nhất là năm 2025.

Để hỗ trợ đạt được mục tiêu này, Thái Lan đã thành lập Hành lang Kinh tế phía Đông từ năm 2017 để thúc đẩy hội nhập kinh tế giữa ba tỉnh ven biển phía Đông của Thái Lan. Điều này đã tạo nên một hệ sinh thái cho các nhà sản xuất linh kiện và các công ty cung cấp dịch vụ, sản phẩm cho ngành này.

Trung tâm Vận chuyển Đa phương thức Quốc tế DHL tại Sân bay Suvarnabhumi

Airports of Thailand Ground Aviation Services Limited (AOTGA) đã hợp tác với Airports of Thailand Public Company Limited để thành lập Trung tâm Vận chuyển Đa phương thức tại Khu thương mại tự do 3 của Sân bay Suvarnabhumi, sau đó phát triển Quy trình quy định hải quan của Cục Hải quan Thái Lan. Ra mắt vào năm 2024, Trung tâm Vận chuyển Đa phương thức này sẽ giúp kết nối hàng hóa vào Thái Lan qua các phương thức vận chuyển khác nhau một cách đơn giản.

Là công ty giao nhận quốc tế duy nhất có kho bãi riêng trong trung tâm này, DHL Global Forwarding Thái Lan giúp khách hàng có thể linh hoạt chuyển đổi dễ dàng giữa vận chuyển đường bộ, hàng không và đường biển bằng cách hỗ trợ tách rời và hợp nhất các lô hàng nhập khẩu, xuất khẩu và quá cảnh, đồng thời đơn giản hóa các thủ tục hải quan tại một địa điểm.

Trung tâm Đa phương thức Quốc tế của DHL cũng có chiến lược bổ sung và kết nối với mạng lưới DHL Asiaconnect và DHL Asiaconnect+, cùng với mạng lưới DHL LTL vốn đã tạo ra những điểm kết nối đáng tin cậy giữa Đông Nam Á, Đông Dương và Trung Quốc.

Tương tự, Campuchia đã công bố những kế hoạch đầy tham vọng về chuyển đổi cơ sở hạ tầng của mình, bao gồm các tuyến đường sắt cao tốc kết nối thủ đô Phnom Penh với biên giới Thái Lan về phía Tây, Việt Nam về phía Đông và cảng Sihanoukville ở phía Nam. Vào tháng 11 năm 2023, Sân bay Quốc tế Siem Reap Angkor (SAI) đã chính thức mở cửa. Sân bay Quốc tế Techo mới, nằm cách Phnom Penh 20 km về phía Nam, dự kiến sẽ mở cửa đón khách vào giữa năm 2025. Chính phủ Campuchia cũng đã phê duyệt năm dự án đầu tư vào ngành ô tô vào đầu năm 2023. Sau khi hoàn thành, số lượng nhà máy lắp ráp ô tô tại Campuchia sẽ tăng lên chín nhà máy.

Vào tháng 7 năm 2023, các cơ quan đường sắt Thái Lan và Campuchia đã lần đầu nối lại liên kết đường sắt sau nửa thế kỷ gián đoạn. Hiện tại, công suất đường sắt ở cả hai bên biên giới đủ khả năng phục vụ tới 26 cặp tàu đi và về mỗi ngày giữa miền Trung Thái Lan và Phnom Penh, và các tuyến đường sắt này được kết nối với khách hàng thương mại thông qua các đường ray riêng.

The Thai-Cambodia International Train and Royal Railway Airport Shuttle Train at Phnom Penh Railway station.
Tàu quốc tế Thái Lan-Campuchia và tàu đưa đón sân bay Royal Railway tại Ga Đường sắt Phnom Penh.

Với việc nối lại tuyến đường sắt, cả chính phủ Thái Lan và Campuchia hy vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các giao dịch trong ngành sản xuất giữa hai quốc gia.

Hợp tác thương mại để xây dựng một ASEAN kết nối hơn

Khi khu vực này tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng đường bộ, những sáng kiến quản lý quan trọng như Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN (ACTS) và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện trong khu vực (RCEP) sẽ giúp thúc đẩy hoạt động vận tải đường bộ.

Ông Tieber cho biết: “Với các chính sách thương mại này trong khu vực, vận tải đường bộ sẽ đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong các giải pháp vận chuyển đường dài xuyên châu Á, đặc biệt khi kết hợp với các phương thức vận chuyển khác”.

ASEAN cũng đã nâng cấp Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) để tăng cường hội nhập kinh tế trong khu vực, đồng thời thúc đẩy mục tiêu của ASEAN là tăng gấp đôi lượng giao thương trong nội khối ASEAN từ năm 2017 đến 2025. Thông qua ATIGA, các quốc gia Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan đã xóa bỏ thuế nhập khẩu nội khối ASEAN đối với 99,65% mặt hàng chịu thuế, trong khi đó, các quốc gia Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam đã giảm thuế nhập khẩu xuống còn từ 0–5% đối với 98,86% mặt hàng chịu thuế của mình.

Mục đích của tất cả các hiệp định và sáng kiến này là để giảm bớt rào cản thương mại, từ đó thúc đẩy thương mại trong khu vực và phát triển kinh tế ở ASEAN.

Khi các doanh nghiệp đối mặt với tình hình phức tạp sau cơn đại dịch, chiến lược tìm nguồn cung ứng toàn diện của Đông Nam Á là dấu hiệu mở ra một tương lai đầy hứa hẹn cho khu vực này, khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của Đông Nam Á trong nền thương mại toàn cầu.