Một chu kỳ khép kín của sản phẩm
Những người đi mua sắm hiện nay ngày càng quan tâm đến mức độ tác động của sản phẩm mà họ mua đến môi trường và kỳ vọng các doanh nghiệp mà họ ủng hộ cũng có trách nhiệm như vậy. Theo Báo cáo Hành vi Mua sắm Trực tuyến 2024 của DHL, 59% khách hàng trên toàn cầu cho rằng phát triển bền vững là yếu tố “rất quan trọng” hoặc “khá quan trọng” đối với họ.
Tuy nhiên, phát triển bền vững có vẻ là một hoạt động thực tiễn tốn kém đối với các doanh nghiệp. Vì để áp dụng hoạt động thực tiễn bền vững, doanh nghiệp sẽ phải tìm ra các hệ thống phù hợp để thay thế cho các hoạt động thực tiễn hiện tại. Để thực hiện thay đổi này, doanh nghiệp sẽ phải đầu tư thời gian và công sức, và biên lợi nhuận của họ có thể bị ảnh hưởng trong thời gian ngắn hạn.
Thế nhưng, trong thế giới hiện đại ngày nay, người tiêu dùng ngày càng có ý thức bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể vừa thu lợi nhuận, vừa góp phần bảo vệ hành tinh. Bằng cách cân nhắc kỹ những quy trình cũ và đón nhận những hoạt động thực tiễn cải tiến mới, các công ty có thể vừa đảm bảo phát triển bền vững, vừa duy trì lợi nhuận, từ đó giúp doanh nghiệp phát triển lâu dài và giữ chân khách hàng.
Tạo vòng khép kín cho sản phẩm
Với mô hình kinh tế tuyến tính hiện nay, người ta khai thác nguyên liệu để sản xuất sản phẩm, sau đó loại bỏ khi đã trở thành phế phẩm. Việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong hoạt động giúp vật liệu và sản phẩm có thể lưu thông trong thời gian lâu nhất có thể bằng cách giảm thiểu lượng phế phẩm, kéo dài thời gian sử dụng sản phẩm và tái tạo tài nguyên.
Hành trình bảo vệ môi trường bắt đầu từ chính sản phẩm. Các công ty đầu tư sử dụng vật liệu sản xuất chất lượng cao để tạo ra những sản phẩm bền bỉ hơn, giảm nhu cầu thay thế thường xuyên và hạn chế lãng phí.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể cân nhắc sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường trong quy trình sản xuất. Dù chi phí đầu tư ban đầu cho vật liệu bền vững có thể cao hơn, nhưng về lâu dài, doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí nhờ giảm thiểu rác thải, tiêu hao ít năng lượng hơn và cắt giảm chi phí tuân thủ quy định.
Những thương hiệu thời trang như Patagonia và Stella McCartney đang đi theo triết lý này bằng cách ưu tiên sử dụng vật liệu bền vững và có nguồn gốc phù hợp về mặt đạo đức. Lấy Stella McCartney làm ví dụ. Hãng thời trang này cam kết sử dụng các vật liệu bền vững như bông hữu cơ và polyester tái chế, chứng minh rằng các sản phẩm cao cấp vẫn có thể vừa sang trọng vừa có trách nhiệm với môi trường.
Cung cấp các chương trình bảo dưỡng, thu mua, đổi cũ lấy mới hoặc tái chế nâng cấp
Một cách hiệu quả khác để giảm tác động môi trường đó là giữ vật liệu và sản phẩm trong một chu kỳ càng lâu càng tốt. Có thể thực hiện điều này bằng cách bảo dưỡng, tái sử dụng, tân trang, tái sản xuất, tái chế và ủ phân.
Ví dụ, Rolls-Royce cung cấp dịch vụ bảo dưỡng và phục hồi cho các loại xe do mình sản xuất. Theo thống kê từ Quỹ Ellen MacArthur, chỉ cần kéo dài thời gian sử dụng sản phẩm thêm chín tháng là đã có thể giảm nhu cầu sử dụng tài nguyên mới và cắt giảm 20-30% lượng khí thải carbon, tiêu thụ nước và rác thải từ sản phẩm.
Nếu khách hàng không còn muốn sử dụng sản phẩm, doanh nghiệp có thể triển khai các chương trình thu mua, đổi cũ lấy mới hoặc tái chế nâng cấp để thu gom và tái chế đồ cũ. Thông thường, người mua có thể hoàn lại sản phẩm đã qua sử dụng để nhận tiền mặt hoặc điểm thưởng mua sắm. Sau đó, các nhà bán lẻ sẽ vệ sinh và tân trang sản phẩm để bán lại với giá ưu đãi tại cửa hàng hoặc trên mạng.
Một số cửa hàng bán lẻ còn khuyến khích khách hàng hoàn lại sản phẩm đã qua sử dụng bằng cách hoàn lại một phần giá trị ban đầu của sản phẩm. Ví dụ, một cửa hàng có thể mua lại chiếc điện thoại từng có giá €3,000 của khách hàng với giá €1,000, sau khi đã trừ khấu hao sử dụng. Ngoài ra, các công ty có thể khuyến khích khách hàng hoàn lại đồ cũ cho công ty thông qua các chương trình ưu đãi đổi cũ lấy mới.
Các doanh nghiệp có thể tái chế và nâng cấp sản phẩm cũ thành những sản phẩm mới để tiếp tục bán ra thị trường. Ví dụ, thương hiệu mỹ phẩm LUSH thu gom vỏ hộp nhựa khi khách hàng sử dụng hết sản phẩm và mang trả lại cửa hàng. Sau đó, họ sẽ dùng những hộp này để đóng gói sản phẩm mới, từ đó tạo nên một vòng đời mới cho sản phẩm.
Những sáng kiến này có trong ngành kinh doanh trên phạm vi rộng hơn, đó là ngành thương mại ngược (mua bán hàng hóa đã qua sử dụng). Dự kiến đến năm 2030, ngành này sẽ đạt giá trị 84 tỷ USD (75 tỷ EUR), gần gấp đôi so với ngành thời trang nhanh.
Bền vững nghĩa là bền bỉ lâu dài
Mục tiêu của kinh tế tuần hoàn là tối ưu hóa giá trị của tất cả các nguồn tài nguyên, tạo cơ hội tiết kiệm chi phí đáng kể nhờ nâng cao hiệu suất. Một nghiên cứu của McKinsey và Quỹ Ellen MacArthur chỉ ra rằng, các phương pháp bền vững để cung cấp dịch vụ có thể giúp tăng 3% năng suất tài nguyên tại châu Âu vào năm 2030, đồng thời tiết kiệm 600 tỷ EUR chi phí mỗi năm và 1,8 nghìn tỷ EUR trong các lợi ích kinh tế khác.
Tuy nhiên, chỉ áp dụng các hoạt động thực tiễn xanh thì vẫn chưa đủ. Các doanh nghiệp cần giao tiếp hiệu quả với khách hàng, bằng cách cho khách hàng thấy rõ những bước hành động cụ thể mà họ đang thực hiện để đưa tính bền vững vào sản phẩm và dịch vụ. Theo Báo cáo Hành vi Mua sắm Trực tuyến năm 2024 của DHL, 63% người tiêu dùng mua sắm xuyên biên giới muốn biết thêm thông tin về lượng khí thải carbon từ các đơn hàng thương mại điện tử của họ. DHL chủ động thông báo cho khách hàng về mức giảm khí thải carbon trong mỗi đơn hàng thân thiện với môi trường.
Người tiêu dùng có xu hướng ngày càng quan tâm hơn đến các vấn đề môi trường, vì vậy, họ thường ủng hộ các doanh nghiệp cam kết phát triển bền vững. Trước xu hướng này, doanh nghiệp có thể phát triển lâu dài nếu đi theo hoạt động kinh doanh bền vững. Bằng cách áp dụng hoạt động thực tiễn xanh, các công ty có thể thu hút và giữ chân những khách hàng quan tâm đến môi trường và xây dựng hình ảnh tích cực và thiện cảm trong cộng đồng.
Cũng đáng đọc