THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ NHANH Ở CHÂU Á ĐANG PHÁT TRIỂN NHANH CHÓNG ĐẾN MỨC NÀO
Đại dịch Covid đã khiến nhiều người tiêu dùng chuyển sang mua sắm trực tuyến hoàn toàn, từ hàng tạp hóa cho đến đồ điện tử. Trước sự bùng nổ của thương mại điện tử, một lĩnh vực trong thị trường cũng đã phát triển gấp bội phần. Thương mại điện tử nhanh (hay q-commerce) là hoạt động nhằm đẩy nhanh tốc độ của giao hàng chặng cuối.
Người tiêu dùng chỉ phải chờ 15 đến 30 phút từ khâu thanh toán đến khâu giao hàng. Ngoài giao đồ ăn, thương mại điện tử nhanh còn nhắm đến thị trường bán lẻ rộng hơn, từ thời trang cho đến trang trí nhà cửa. Doanh thu ở Đông Nam Á dự kiến sẽ đạt 3,74 tỷ USD (3,4 tỷ euro) vào năm 2023, gấp hơn sáu lần so với năm 2017.
Đón đầu làn sóng đại dịch, công ty khởi nghiệp thương mại điện tử nhanh Zepto ở Ấn Độ đã huy động được 360 triệu USD và được đinh giá 900 triệu USD vào tháng 5 năm 2022. Trong khi các công ty khởi nghiệp thương mại điện tử nhanh khác ở Ấn Độ lấy hàng nhanh từ các cửa hàng tạp hóa thông thường, thì Zepto lại thiết lập các trung tâm thực hiện đơn hàng trực tuyến trên khắp các thành phố nơi công ty hoạt động (Mumbai, Bangalore và Delhi và nhiều khu vực khác) để đảm bảo thực hiện cam kết giao hàng trong 10 phút.
Nhưng thương mại điện tử nhanh không chỉ có nghĩa là giao hàng nhanh hơn. Đó còn là cách để định nghĩa lại về hoạt động kinh doanh có thể thay đổi cách chúng ta mua sắm, bán hàng và sinh sống.
ĐÁP ỨNG NHU CẦU VỀ TỐC ĐỘ
Nền kinh tế bắt đầu chuyển sang giai đoạn phục hồi và người tiêu dùng đang quay lại mua sắm tại các cửa hàng vật lý. Nhưng thương mại điện tử vẫn chưa có dấu hiệu chững lại. Thay vào đó, thị phần của lĩnh vực này tiếp tục tăng lên, với tổng giá trị hàng hóa có khả năng đạt 211 tỷ USD chỉ riêng ở Đông Nam Á vào năm 2026.
Đại dịch Covid-19 đã chứng kiến sự phát triển nở rộ của các công ty logistics chuyên giao hàng chặng cuối. Khi phải ở trong nhà một thời gian dài, chúng ta thường muốn nhanh chóng nhận được các mặt hàng mà mình đã đặt trực tuyến, đây cũng chính là một yếu tố trong quyết định lựa chọn nhà cung cấp. Một cuộc khảo sát do trường kinh doanh INSEAD thực hiện cho thấy 80% số người tham gia khảo sát cho biết họ muốn nhận hàng trong ngày, trong đó có 61% muốn nhận được hàng trong vòng 1-3 giờ sau khi đặt hàng.
Năm 2022, 90% khiếu nại về thương mại điện tử đến từ tình trạng giao hàng chậm trễ. Nhiều công ty logistics đã phải hoạt động linh hoạt hơn và nhìn lại chuỗi cung ứng của mình để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của người tiêu dùng. Tại Singapore, giao hàng nhanh là một trong những chiến lược tiếp thị để thu hút người tiêu dùng trong đợt Giảm giá nhân Ngày lễ độc thân vào tháng 11 năm 2022. Sự kiện bán hàng trực tuyến này thường thu về hàng tỷ đô la trên toàn thế giới, và Lazada Singapore đã triển khai dịch vụ Giao hàng ưu tiên để giao hàng cho người tiêu dùng chỉ trong vòng hai ngày mà không phải trả thêm phí. Với thành công của sự kiện này, hiện nay Giao hàng ưu tiên đã trở thành dịch vụ chủ lực của ông lớn trong làng thương mại điện tử này.
Phần lớn sự tăng trưởng của thương mại điện tử nhanh đến từ nhu cầu về thực phẩm và hàng tạp hóa – những mặt hàng rất nhạy cảm về thời gian giao hàng. Nhưng ngay cả khi tốc độ tăng trưởng của những mặt hàng này đang chậm lại do các nhà hàng phục vụ tại chỗ đã mở cửa trở lại, thương mại điện tử nhanh vẫn đang mạo hiểm đầu tư vào các sản phẩm khác.
Khi các nhà cung cấp dịch vụ thương mại nhanh mở rộng cho các danh mục khác ngoài thực phẩm và hàng tạp hóa, hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) như sản phẩm làm đẹp, quần áo và đồ dùng văn phòng cũng đang đẩy mạnh các phương thức giao hàng của mình. Ví dụ: công ty thời trang và đồ gia dụng Nhật Bản MUJI đã hợp tác với Meituan, nền tảng giao thực phẩm hàng đầu Trung Quốc để cung cấp dịch vụ giao hàng siêu tốc tại Trung Quốc.
Kể từ năm 2021, công ty giao thực phẩm trực tuyến đa quốc gia của Đức, Delivery Hero (công ty sở hữu FoodPanda) đã hợp tác với hãng điện tử Trung Quốc Xiaomi để giao đồ điện tử tại Singapore và Thái Lan. Khách hàng của FoodPanda giờ đây có thể mua sắm thiết bị trên ứng dụng và nhận hàng trong vòng 30 phút mà không phải trả thêm phí giao hàng nhanh.
Niềm tin vào các dịch vụ giao hàng theo yêu cầu đã tăng mạnh, và giao hàng nhanh đã nhanh chóng đã trở thành lợi thế cạnh tranh của những công ty thương mại điện tử, thay vì chỉ là một lựa chọn bổ sung nâng cao. Nhưng với khách hàng quốc tế, thương mại điện tử nhanh không chỉ về tốc độ giao hàng. Dịch vụ này phải có khả năng tùy chỉnh và cá nhân hóa các giải pháp một cách nhanh chóng cho doanh nghiệp và khách hàng của mình.
Nền tảng thương mại điện tử cung cấp những thông tin chuyên sâu quan trọng về hành vi của người tiêu dùng, tất cả đều được theo dõi và truy cập theo thời gian thực. Chỉ với một vài cú nhấp chuột, chủ doanh nghiệp có thể tìm hiểu xem khách truy cập đã duyệt xem trang web của họ trong bao lâu và thường truy cập các trang sản phẩm nào, đồng thời lập chiến lược để làm nổi bật các chương trình khuyến mại của họ. Những người bán hàng trên mạng xã hội có thể tìm hiểu thông tin nhân khẩu học và sở thích của người tiêu dùng dựa trên mức độ sử dụng mạng xã hội của họ, rồi sản xuất và nhắm mục tiêu cho các sản phẩm có liên quan sao cho phù hợp.
Ngày nay, người tiêu dùng đã chuyển sang kỳ vọng các giải pháp phù hợp hơn, bởi giờ đây họ đã có thể tiếp cận các nguồn lực giao hàng theo yêu cầu.
HOÀN THIỆN ĐƠN HÀNG Ở QUY MÔ NHỎ
Sự phát triển của thương mại điện tử đã tạo nên một cuộc cách mạng cho phương thức giao hàng. Từ các trung tâm thực hiện đơn hàng trực tuyến cho đến các điểm tự lấy hàng, giao hàng chặng cuối ngày càng tập trung vào địa phương, tăng tính tự động hóa và vận hành hiệu quả.
Khi sở hữu trung tâm hoàn thiện đơn hàng ở quy mô nhỏ tại các khu vực đông dân cư và được trang bị kho hàng phù hợp với nhu cầu ở địa phương, các doanh nghiệp có thể cải thiện thời gian giao hàng và các sản phẩm chào bán. Với công nghệ tích hợp và hệ thống tự động, các trung tâm phân phối này có thể giám sát nhu cầu theo thời gian thực để giảm bớt tình trạng lãng phí. Nhiều cơ sở bán lẻ cũng được chuyển đổi thành các trung tâm phân phối nhỏ, hay các trung tâm thực hiện đơn hàng trực tuyến, để tiếp tục phục vụ khách hàng với các điểm nhận hàng.
Khi các chuỗi lớn có tốc độ giao hàng chặng cuối nhanh hơn, một số thương hiệu nhỏ chuyển sang tạo trải nghiệm đa kênh cho khách hàng, đây là một chiến lược để giảm đáng kể chi phí trong khâu đóng gói và giao hàng, đồng thời cạnh tranh được với các công ty lớn hơn có mạng lưới logistics riêng. Chẳng hạn như thương hiệu quần áo Nhật Bản Workman có kế hoạch ngừng giao hàng hoàn toàn vào năm 2027.
Các cửa hàng hoặc điểm nhận hàng chuyên biệt sẽ giúp người tiêu dùng nhận hàng tiện lợi thay vì phải chờ đợi hoặc lên lịch lại cho những chuyến giao hàng bị lỡ. Để củng cố mạng lưới logistics của mình, các công ty logistics như DHL Express Singapore hợp tác với Pick Network, mạng lưới tủ giao nhận hàng toàn quốc của Singapore, thực hiện thử nghiệm chuyển mọi hoạt động giao hàng tận nhà không thành công sang các tủ giao nhận hàng gần đó. Nhờ đó, khách hàng có thể linh hoạt nhận hàng từ mạng lưới tủ giao nhận hàng an toàn trong cùng ngày mà họ bị lỡ chuyến giao hàng.
Quan trọng hơn là việc đưa các bưu kiện giao hàng đến một điểm dịch vụ duy nhất sẽ giúp giảm thời gian đi trên đường khi giao tận nhà nhiều đơn hàng, từ đó giảm bớt lượng khí thải carbon trong khâu giao hàng chặng cuối.
GIẢI PHÁP LƯU TRỮ HIỆU QUẢ HƠN
Ngoài việc chú ý hơn tới hoạt động giao hàng chặng cuối, thương mại điện tử nhanh cũng đang khẩn trương xem xét lại hoạt động lưu trữ. Trước đây, các kho hàng tập trung lớn sẽ là trung tâm cho các hoạt động giao hàng, nhận hàng mà các công ty vận tải phân phối.
Trước khối lượng đơn hàng bùng nổ do sự phát triển của mua sắm trực tuyến, các nhà bán lẻ đang tìm giải pháp tiết kiệm hơn để tiếp cận nhiều khách hàng hơn. Đặc biệt, tính hiệu quả của nhà kho là một vấn đề nhức nhối của các nhà bán lẻ, họ thường gặp phải tình trạng không gian trống đến 25% giữa các hợp đồng dài hạn, khối lượng lớn.
Để giải quyết vấn đề này, giải pháp lưu kho theo yêu cầu ngày càng được cung cấp phổ biến để các nhà bán lẻ và nhà sản xuất lựa chọn sử dụng không gian linh hoạt và hiệu quả hơn.
Nhìn chung, dịch vụ logistics linh hoạt có thể giúp các doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu thương mại nhanh ngày càng tăng cao bằng cách cung cấp các dịch vụ giao hàng nhanh chóng, uy tín, phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
Mặc dù có một số dấu hiệu cho thấy lĩnh vực thương mại điện tử nhanh có thể sẽ không còn duy trì phát triển sau đại dịch, nhưng thực tế là người tiêu dùng đã đặt ra các kỳ vọng về thị trường. Các cửa hàng tạp hóa, nhà bán lẻ và nhà cung cấp dịch vụ logistics cần đạt được tiêu chuẩn mới – và họ có nhiều công cụ hơn bao giờ hết để đạt được điều đó. Các công cụ này bao gồm hệ thống quản lý kho trên đám mây với tính năng cung cấp thông tin cập nhật theo thời gian thực, trang bị cho các cửa hàng để mang lại trải nghiệm đa kênh không gián đoạn cho người mua sắm,...
Nhưng chúng ta có thể chắc chắn một điều là số phận của mua sắm trực tuyến trên toàn cầu có mối liên kết sâu sắc với năng lực của các công ty logistics và công ty chuyển phát để giao sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Càng nhanh, càng tốt.
Thông tin thêm từ bộ sưu tập này